TCVN 10380-2014 Đường giao thông nông thôn – Yêu cầu thiết kế

TCVN 10380:2014

ĐƯỜNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN
– YÊU CẦU THIẾT KẾ
 (Rural Roads – Specifications For Design)

1.  Phạm vi áp dụng
  • Tiêu chuẩn này quy định các yêu cầu về thiết kế xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp đường giao thông nông thôn (GTNT).
  • Khi thiết kế đường giao thông nông thôn có liên quan đến các công trình khác, ngoài việc áp dụng theo tiêu chuẩn này cần phải tuân theo các quy định hiện hành về các công trình đó.
2.  Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng Tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 4054 : 2005      Đường ô tô – Yêu cầu thiết kế.
TCVN 5729:2012        Đường ô tô cao tốc – Yêu cầu thiết kế
TCVN 8857 : 2011      Lớp kết cấu áo đường ô tô bằng cấp phối thiên nhiên – Vật liệu, thi công và nghiệm thu.
TCVN 8859:2011        Lớp móng cấp phối đá dăm trong kết cấu áo đường ô tô – Vật liệu, thi công và nghiệm thu.
TCVN 8808:2011        Móng cấp phối đá dăm và cấp phối thiên nhiên gia cố xi măng trong kết cấu áo đường ô tô – Thi công và nghiệm thu.
TCVN 8809:2011        Mặt đường đá dăm thấm nhập nhựa nóng – Thi công và nghiệm thu.
TCVN 10186:2014      Móng cát gia cố xi măng trong kết cấu áo đường ô tô – Thi công và nghiệm thu.
TCVN 8863:2011        Mặt đường láng nhựa nóng – Thi công và nghiệm thu.
TCVN 8819:2011        Mặt đường bê tông nhựa nóng – Yêu cầu thi công và nghiệm thu.
TCVN 8864:2011        Độ bằng phẳng mặt đường bằng thước dài 3 mét – Tiêu chuẩn thử nghiệm.
TCVN 9152 : 2011      Quy trình thiết kế tường chắn công trình thủy lợi.
TCVN 9859 : 2013      Bến phà, bến cầu phao đường bộ – Yêu cầu thiết kế.
3.  Thuật ngữ và định nghĩa
Tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ định nghĩa sau:
  • Đường giao thông nông thôn (GTNT) bao gồm các tuyến nối tiếp từ hệ thống quốc lộ, tỉnh lộ đến tận các làng mạc, thôn xóm, ruộng đồng, trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi… phục vụ sản xuất Nông – Lâm – Ngư nghiệp và phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội của các địa phương, xem Phụ lục A.
  • Đường thôn: nối từ đường huyện, đường xã hoặc các thôn, làng, ấp, bản và đơn vị tương đương đến các đồng ruộng, nương rãy, trang trại, các cơ sở sản xuất, chăn nuôi… hoặc đến các thôn, làng, ấp, bản lân cận.
  • Đường dân sinh: nối từ đường xã, đường thôn hoặc các cụm dân cư đến đồng ruộng, nương rãy, cơ sở sản xuất… hoặc đến các cụm dân cư, các hộ gia đình lân cận.
  • Đường vào khu vực sản xuất (KVSX): nối từ quốc lộ, tỉnh lộ hoặc trung tâm hành chính của huyện đến các khu vực sản xuất, gia công, chế biến Nông Lâm Thủy Hải sản thuộc huyện quản lý (vùng trồng cây công nghiệp, cánh đồng mẫu lớn, đồng muối, làng nghề, trang trại và các cơ sở tương đương).

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn